Cuối năm 2009, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề mây tre đan do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quế Xuân 2 tổ chức, nhiều chị em ở thôn Hòa Mỹ Tây đã tự mua nguyên liệu rồi đan lát các mặt hàng để bán ra chợ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn, nhiều chị phải bỏ nghề vì mức thu nhập quá thấp. Trước tình trạng đó, Hội LHPN xã Quế Xuân 2 đã vận động, hỗ trợ chị em thành lập tổ hợp tác sản xuất và liên kết với các Công ty để nhận hàng mây tre đan về gia công. Từ đó, các chị có nguồn hàng bền vững để sản xuất, thu nhập được nâng lên đáng kể. Chị Lê Thị Bửu, tổ viên tổ hợp tác mây tre đan Hòa Mỹ Tây cho biết, hiện tại, để công việc được thuận tiện hơn, đa số các chị nhận nguyên liệu về nhà làm, sau khi sản phẩm hoàn thiện được tập hợp tại tổ hợp tác để bàn giao cho Công ty. “Những năm gần đây việc sản phẩm mây tre đan có đầu ra ổn định nên mỗi tháng tôi thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng. Nhờ đó mà có điều kiện lo cho con cái học hành tốt hơn”. Chị Bửu nói.
Hiện nay, tổ hợp tác sản xuất có 35 phụ nữ tham gia, các chị luôn chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, làm ra các sản phẩm chất lượng, tinh xảo, bắt mắt. Tùy theo đơn hàng mà tổ hợp tác nhận gia công các sản phẩm như ghế, bàn, các vật dụng sinh hoạt, trang trí. Để có nguồn hàng bền vững, đảm bảo thu nhập cho chị em, Ban quản lý tổ hợp tác luôn tích cực tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp uy tín, có thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời chủ động thực hiện tốt khâu nhận nguyên liệu và bàn giao sản phẩm đúng thời gian quy định. Theo chị Trần Thị Ký - Tổ trưởng tổ hợp tác mây tre đan Hòa Mỹ Tây, chính sự liên kết trong sản xuất mà nghề mây tre đan tại xã Quế Xuân 2 ngày càng phát triển, không còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Hiện tổ hợp tác đang có hướng mở thêm một lớp dạy nghề để thu hút một số chị em tham gia vào tổ hợp tác để tăng mức hàng lên nhiều hơn.
Tác giả bài viết: Duy Thái
Ý kiến bạn đọc
"Lịch sử hình thành và phát triển của đơn vị".